Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Con đường phía trước



Quê nội tôi, một vùng quê sông nước miền tây, một vùng quê rất nghèo. Tám năm nắng gió quê nội đã rót vào tâm hồn trẻ thơ của tôi là dòng nước ngọt, dòng nước của tình người, của những con sông chi chít nhánh ôm lấy vùng đất nghèo hai mùa mưa và nắng.


Những gì tinh túy nhất nơi đó đã thấm sâu vào máu của tôi. Từng gương mặt hiền lành, chất phác, từng câu nói đậm chất sông nước đã in sâu vào trong ký ức.

Ngày tôi chào đời có lẽ trên vai đã mang nặng một lời hứa, lời hứa với đấng sinh thành. Đó là ngày mẹ tôi gửi bao ước mơ vào tương lai của tôi. Ngày mà con thuyền chở nặng tình thương rời xa bến đỗ, rời xa mảnh đất mà chất chứa trên đó là ký ức về phần đời đã qua của mẹ tôi, bởi đường đời phía trước mẹ đi đâu phải vì mình.

Con thuyền lặng lẽ, lặng lẽ đi đến bến đỗ của đời tôi. Mẹ muốn tôi sống một cuộc đời khác, một cuộc đời không lầy lội, không lấm lem bùn đất như ông bà, như ba và mẹ.

Ngày tôi khóc là ngày bao người cười, ngày tôi biết cười là ngày lòng mẹ trĩu nặng, mẹ gói gém tất cả để tôi có một hành trang ở tương lai. Một tương lai tươi sáng của một con người khác, một con người sẽ khác nhiều những con người nơi đây.

Nhưng điều đó không hẳn là mẹ muốn tôi quên đi bầu trời, vị đất và hương lúa nơi đây. Vì đó là bầu sữa đã cho hình hài, khối óc để tôi có thể nhận ra mình, để tôi là một phần của tạo hóa, để từng nhịp đập nóng hổi trong tôi hòa vào lời thì thầm của trời và đất.

Mảnh đất nghèo vẫn lặng lẽ nuôi lớn bao thế hệ, nó mang đến cho ông cha chúng tôi hơi thở đầu tiên và sẽ nhận lại họ hơi thở cuối cùng.

Những mái nhà lá, những đôi chân trần vẫn ngày ngày đón bình minh và tiễn chiều tà trên mảnh đất quê hương nghi ngút nhang khói ông bà. Tôi sẽ chẳng là ai nếu tôi quên đi nguồn cội.

Mảnh đất nơi đây, dòng sông nơi đây, con người nơi đây đã cho tôi dáng đứng, đã nâng bước chân tôi dài theo từng nhịp của thời gian.

Tôi lớn lên rồi đi học, con đường xa nhất đầu tiên là con đường đến trường. Đó là con đường gieo vào trong tôi những hình ảnh đầu tiên về mơ ước, một ý thức là phải học cho thật giỏi, dẫu những điều đó là mơ hồ nhất, bởi tôi còn quá nhỏ.

Để được đến lớp, tôi phải băng qua cánh đồng, đó là con đường tắt, hay là tôi phải đi đường vòng. Vào mùa mưa, trẻ con trong xóm phải đi đường vòng, con đường tắt chỉ dành cho mùa nắng. Con đường vào mùa mưa thật lầy lội, trơn trợt, biết bao nhiêu đứa trẻ “chụp ếch” (ngã) trên đường.

Ai là người xui xẻo nhất thì thật dễ nhận ra với bộ đồ lấm lem. Trẻ con chúng tôi chẳng ai cười nhau cả, bởi lẽ có mấy đứa còn sạch sẽ mà vào lớp đâu. Cũng có thể những hình ảnh đó đã quá quen thuộc trong suốt mùa mưa.

Thuở ấy, qua cầu khỉ là nỗi ám ảnh, nhưng để có thể ngồi vào lớp chúng tôi phải qua bên kia sông. Con sông không rộng nhưng vào mùa mưa lại rất “lạnh lùng”. Mưa xuống, cây cầu bám đầy đất trở nên bóng loáng và rất trơn.

Từng đôi tay bé nhỏ cố bám chặt vào tay vịn, run rẩy, kéo chân từng bước một. Bất chợt cây cầu rung lên, đứa trước vội quay sang nhìn đứa sau, một nỗi sợ tràn trong ánh mắt. Đó thực sự là nỗi kinh hoàng. Nhưng đối với một vùng quê sông nước, việc một đứa trẻ qua cầu khỉ là điều bắt buộc giống như tập đi, tập nói. Tôi tự hỏi thời đó sao tôi “liều mạng” như vậy?

Thời đó, người lớn nơi đây chất phác đến mức vô tâm chăng hay là do quê quá nghèo? Dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải qua phía bên kia và vẫn cười đấy thôi. Đơn giản là vì hai từ đó xa lạ với trẻ nhỏ chúng tôi.

Tôi sống trong căn nhà lá nằm sau nhà nội, hướng ra cánh đồng và rất hiu quạnh. Cánh đồng mênh mông, phía bên kia là một xóm khác. Lâu lâu lại nghe tiếng trống: “Tùng! Tùng!..” vang lên trong đêm tối. Mẹ tôi nói bên đó có đám ma, nhìn xa chỉ thấy vài đóm sáng nhỏ, người ta đang đến để đưa tiễn một người.

Một con người nữa ra đi, nhẹ nhàng trong đêm tối. Cả một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và giờ đây lặng lẽ về với đất mẹ.

Tuổi thơ tôi là những tháng năm nghèo khó, cả vùng quê không có điện, chỉ có ánh đèn dầu vàng vọt trong đêm. Tôi nhớ hình ảnh ba tôi đang nằm trên võng, kẽo kẹt, kẽo kẹt. Tôi và anh trai ngồi trên giường. Mẹ ngồi bên cạnh, bóng mẹ trên vách lá cứ lay lắt theo từng cơn gió lay ngọn đèn dầu, mẹ đang dạy cho hai anh em bài tập đọc.

Ngoài kia, bầu trời bao la, ở những vùng đất sáng ánh đèn điện, trẻ con có giống chúng tôi không?

Để chạm tới một bến bờ nào đó ở cái tương lai mơ hồ phía trước, tiếng i a vẫn đều đều vang lên rồi tắt lịm, chỉ còn bóng đêm và ánh đèn le lói. Nhưng rồi sẽ lại vang lên!

Ngày đó, mẹ có lẽ là “người lái đò” đầu tiên. Mẹ cầm tay nắn nót cho tôi từng nét chữ với cây bút chì mới tinh, nét tròn trĩnh đầu tiên mang dáng hình của tình thương, là giọt mồ hôi của bao con người chân chất khom lưng ngoài đồng chỉ mong bát cơm đầy cho con cháu, là dáng bà nội lưng còng ẵm cháu cố đi nhanh vào nhà kẻo trời mưa và là nỗi lo của mẹ chưa bao giờ vơi.

Hè về, nắng như đổ lửa, những gốc rạ ngoài đồng dựng đứng cái thân chết khô xơ xác lên trời hay nằm gục xuống và mục ra dưới cái nắng chói chang. Mặt đất nứt nẻ và trẻ con vẫn cười.

Khi nắng chiều dịu xuống, tôi cùng bọn trẻ trong xóm ra cánh đồng để thả diều. Bọn trẻ nhốn nháo cả một khu đất, đứa chạy kéo dây, đứa thả dây, đứa giật dây, đứa chưa có diều nhìn “thèm thuồng” ngơ ngác. Cánh diều mang đến cho chúng tôi những cảm giác mới lạ.

Sức nặng của chiếc diều no gió khiến chúng tôi lo sợ, sợ diều đứt dây và bay mất. Cảm giác làm chủ con diều và ý thức sơ khai về trách nhiệm giữ cho con diều luôn bay cao. Và khi con diều xa nhất là của mình thì đó là phút giây của cảm giác tự hào: “Diều tao xa hơn diều mày kìa!”.

Nhưng cánh diều cuộc đời của mỗi gương mặt trẻ thơ gầy gò và đen đúa sẽ bay tới đâu? Dây diều cuộc đời chúng tôi ai sẽ giật? Làm sao chúng tôi biết được khi mà mơ ước trẻ thơ chỉ là con diều thực tại, căng dây và no gió. Và gió trên đồng vẫn thổi mênh mông!

Năm tôi lên chín, gia đình tôi chuyển đến một nơi khác để anh em tôi có điều kiện học tiếp. Một thị trấn xa xôi, tươi đẹp đang chờ tôi, ở đó sẽ có mái trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Tôi ngước nhìn lên nhà nội, hình ảnh mái nhà bắt đầu xa dần, ánh đèn le lói nhỏ dần, nhỏ dần và mất hẳn.

Bầu trời quê bắt đầu trở tối, phía sau tôi bóng đêm xâm chiếm dòng sông, cánh đồng, phủ lên từng ngôi nhà và phận người nơi đó.

Sự tiếc nuối bao trùm tâm hồn trẻ thơ của tôi. Nhưng phía trước là tương lai, tôi sẽ bước tiếp để thành một con người mới. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn mang bóng hình quê nội, vị đất, hương lúa và nghĩa tình của bao con người nơi đó. Dù tôi có là ai, dấu chân có ở nơi đâu thì tôi vẫn là đứa con của vùng quê ấy, dẫu có chết đi vẫn về với đất mẹ mà thôi!

Nguyễn Phan Bảo Duy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
-------------------------------------- linhtuty