Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Kỷ niệm một thời cắp sách


Quạt trần quay như thể ngày mai là nó đổi chỗ định cư ra vựa ve chai ở vậy. Vì thế, mồ hôi cứ thì thầm rủ nhau lấm tấm trên lưng áo ba mươi chín đứa học trò. “Bi kịch tình yêu của Kiều” trong đề kiểm tra có lẽ đã làm trời Sài Gòn thêm đổ nắng: “Đề khó quá cô ơi!” Thấy mà thương học trò mình đến lạ.


Một chuỗi mênh mông ký ức rộn ràng rủ nhau về…

Ba năm trung học phổ thông, kỷ niệm đong chắc phải đến hàng nghìn trang nhật ký:

Bảo bảnh trai mượn xe máy của ba để làm màu đón “em yêu” (theo lời của nó) đi học thêm về; “em yêu” không chịu lên xe. Buồn đời đi uống rượu rồi tông vô cột điện; tỉnh dậy chỉ thấy cái mũi Hy Lạp đã “đứt gánh tương tư”. Cả lớp rủ nhau đi thăm, ồn ào cả bệnh viện, bị bác sĩ la quá chừng.

Nhỏ Thủy quen anh nào năm cuối ở Đại học và tặng anh điều vô giá của bản thân. Thế rồi anh bỏ nó không lý do. Thủy uống thuốc ngủ thật nhiều, may mà cứu kịp. Thủy đòi nghỉ học. Các bạn kiên trì chia nhau đến nhà động viên suốt một thời gian, Thủy mới chịu mang cặp sách lại.

Cô giáo dạy công dân hiền ơi là hiền, hôm qua còn kể chuyện về tình yêu vui ơi là vui. Thế mà trưa hôm sau, cả lớp đã khóc như mưa hạ đầu mùa tầm tã: cô ra đi vì chiếc xe và cô bé nhỏ dưới bánh xe tải.

Cả lớp bị cô chủ nhiệm cho chép phạt nguyên quyển vở học trò vì cái tội không đứa nào thuộc lấy một chữ trong “Tuyên ngôn độc lập”. Thật đáng, vậy mà không ít đứa bảo cô “dã man”. Cô biết, giờ sinh hoạt lớp cô không nói lời nào, thỉnh thoảng lấy khăn chậm nước mắt.

Ba năm làm chủ nhiệm, cô coi đứa nào cũng như con. Vậy mà niềm trân quí cô trong lòng trỗi dậy, ba mươi sáu đứa vòng tay, để xin lỗi ư? Hổng phải, vòng tay như trẻ mẫu giáo và đồng ca lộn xộn bài: “Cô giáo em”. Cô cười nhẹ nhàng như mây trời, nói: “Ghét quá!”.

Đóng tiền quyên góp cho trẻ em làng SOS, đứa nào cũng than vãn, thầy Bí thư Đoàn trường bảo: “Ôn thi đại học làm gì khi mà sống vô cảm”. Đúng là vô cảm thật! Thế là lại hớn hở đóng tiền, 1000 đồng khi ấy đủ mua ổ bánh mì thịt mà ăn no đến trưa.

Nhắc đến bánh mì mới nhớ. Thầy hiệu trưởng cấm ăn bánh mì trước cổng trường vì sợ không đảm bảo vệ sinh. Lũ ngẩn ngơ ngày ấy đâu chịu hiểu lời thầy. Lớp trưởng: “6 giờ 30 phút tập trung ở cổng trường, mỗi đứa sẽ cầm sẵn một ổ bánh mì.

Đợi thầy hiệu trưởng đến là đồng loạt ăn. Tiền bạc không phải lo, chúng ta ứng quĩ lớp”. Cả lớp hưởng ứng nhiệt liệt. Sáng hôm sau, nụ cười sung sướng lan tỏa trước cổng trường khi thấy thầy hiệu trưởng kéo kính xuống nhìn ba mươi sáu con người cầm bánh mì ăn sảng khoái.

Tiết một trôi qua trong “vinh quang chiến thắng”. Bi kịch bắt đầu khi tiếng loa oang oang: “Mời tập thể 12 A về văn phòng!”. Rồi nước mắt, rồi hối hận, rồi viết bản kiểm điểm, rồi mời phụ huynh cứ xoắn vào nhau… Thấy thương thầy hiệu trưởng quá chừng.

Nghĩ rằng năm cuối cấp nên cần phải tạo ấn tượng khó quên. Thế là 8/3, có mười đứa con trai không xuống sân trường làm lễ. Khi cô hiệu phó vừa nêu lịch sử ngày thế giới phụ nữ xong thì tiếng cười đồng loạt rộn lên. Không phải cười cô mà là cười mười ông tướng đang mặc áo dài đang xuống lầu.

Áo đủ màu, không biết mượn ai và mượn từ bao giờ. Mười ông xin hát bài “Một thoáng quê hương”. Lần đầu tiên một bài hát đầy mỹ từ như thế lại khiến cả trường cười nghiêng ngả: bởi các ông hát gớm quá và mặc áo dài thì quá gớm!

Ngày ra trường cận kề, bài vở nhiều mà vẫn không hết nghịch. Trường yêu cầu mỗi lớp tổng dợt vệ sinh. Thế là thay vì xách nước từ nhà vệ sinh ra lau dọn thì vài anh tài lanh trong lớp lại đi mở ống nước chữa cháy kéo thẳng vào lớp, xịt tưng bừng. Nước ào ạt từ lầu ba xuống tầng trệt, ngỡ như thác Đatanla đang bước vào mùa lũ.

Thầy giáo vụ chạy lên trợn mắt. Lẽ ra bị kỷ luật nữa nhưng vì gần thi rồi, tha cho…

Trong bâng khuâng kỷ niệm của bạn bè, lòng không khỏi dạt dào kỷ niệm riêng.

Những năm 1994, hai mươi nghìn đồng học phí một tháng thật nặng nhọc với một gia đình trồng rau mà trúng mùa thì ít, mất mùa thì hoài hoài. Thế nên, đóng học phí trễ nhất lớp là điều đương nhiên, mà khi đóng thì toàn tiền lẻ, đồng tiền mặn mồ hôi của má từ những gánh rau.

Rồi học thể dục, tôi là đứa vận động ít nhất. Không phải bệnh, không phải lười mà vì sợ rách quần. Thật khó hiểu phải không? Vì quần thể dục má mua mặc đã hai năm, vải nào còn nổi. Đây là cái quần mượn nhỏ bạn hàng xóm, học khác trường.

Lần nào mượn nó cũng nhăn nhăn: “Mày làm giãn hết quần tao!”. Thế mà vẫn mượn, học xong buổi sáng thì trưa le te đi giặt cái quần cho kịp khô trả bạn.

Lũ bạn ùa đi học thêm, vì kiến thức vì phong trào còn tôi không học đâu cả, chẳng phải mình giỏi giang, có thừa năng lực tự học đâu mà vì sợ gánh rau của má nặng thêm.

Có đứa lại nhấm nhẳng: “Nhỏ này chẳng lo gì cho tương lai”.

Lo chứ, lo vội vội về nhà quăng cặp đi cắt rau, bó lại gọn gàng rồi đèo chúng ra chợ cho má bán kịp chợ chiều.

Ngại nhất là đi sinh nhật. Thời ấy, vài đứa đã có bạn trai đèo ra tiệm trang điểm, váy trắng váy hồng xòe lung linh.

Thèm lắm, giá được ướm vào chiếc cánh thơm tho ấy một lần rồi cởi ra liền cũng lấy làm mãn nguyện. Nhưng chẳng dám lộ nỗi thèm ấy cho má biết, vui vẻ tung tăng đi sinh nhật.

Trong tiệc, giữa bao sắc màu duyên dáng, hóa ra tôi lại “nổi bật” nhất bởi đồng phục xanh xanh.

Chiếc áo tết của 15 năm về trước, tôi còn giữ tinh tươm trong tủ. Đó là chiếc áo cô chủ nhiệm tặng, nhớ mãi giây phút ấy, nước mắt trong lòng như sóng xôn xao mà trái tim thì ấm dịu như nắng cao nguyên.

Ngày làm hồ sơ thi Đại học, tôi băn khoăn hai chữ: tiền đâu? Chọn lựa sau một đêm dài suy ngẫm là Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở quê nhà. Bởi: không học đóng học phí, không đi học xa, không làm má vì mình mà tóc bạc thêm, mắt sâu hơn…

Học trò lần lượt nộp bài, có đứa rủ rỉ: “Hồi nãy làm bài, em thấy mắt cô ướt ướt nha!”

Những năm tháng tuổi hồng dẫu có nhiều trăn trở của áo cơm, song mãi mãi kỷ niệm ấy làm tâm trí chúng ta tươi xanh, tinh khôi và vẹn nguyên như màu mực tím…

“Cảm ơn nhé thời ta cắp sách,

Nụ cười hồng cuốn nỗi niềm riêng.

Cảm ơn nhé tuổi mộng thần tiên,

Cho thêm yêu cuộc đời tha thiết…”

Phan Thi Mỹ Cảnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
-------------------------------------- linhtuty